VẤN VƯƠNG NÉT DUYÊN DÁNG CỦA CHIẾC KHĂN RẰN TRUYỀN THỐNG
“Chiếc khăn rằn em vẫn quấn năm xưa
Đã ở rừng dừa Bến Tre ngày đó
Chịu đựng cùng em với đầy sương gió
Chống quân thù đối phó với Mỹ bay”
Từ chiến trường đỏ lửa đau thương đến vùng trời xanh thẳm của bình yên và tự do chiếc khăn rằn đã gói trọn những ký ức về một thời đạn bom gian khổ hào hùng của dân tộc trong những năm tháng chiến tranh ác liệt và rồi vượt qua tháng năm hoa lửa ấy, khăn rằn đã đồng hành với đời sống mộc mạc chân quê của người dân ta tự bao đời này. Khăn rằn truyền thống mang trọn cả hồn quê, tạc nên cả khí chất nồng hậu, ấm tình người của người dân miền đất Cửu Long Giang hai sương một nắng và là một nét vẽ thanh thanh trong bức tranh đa sắc màu văn hóa của dân tộc Việt Nam với bao thăng trầm bể dâu của cuộc đời và kiếp người.
Đi tìm cội nguồn của chiếc khăn rằn truyền thống
Không biết tự bao giờ chiếc khăn rằn đã gắn bó với con người xứ miệt vườn và cũng không ai biết từ những năm tháng kháng chiến gian nan cho tới những ngày tháng bộn bề thường nhật, chiếc khăn rằn truyền thống đã đi về trong miền nhớ và kí ức của mỗi người yêu và trân trọng từng nét đẹp văn hóa dân tộc. Theo các nhà nghiên cứu, chiếc khăn rằn có nguồn gốc từ người Khmer. Về với Việt Nam, chiếc khăn qua sự giao thoa ngôn ngữ giữa người Việt và Khmer. Kể từ đấy, chiếc khăn rằn Nam Bộ ra đời. Người Việt học theo người Khmer làm khăn, ngâm sợi vải trong bột hồ 3 ngày 3 đêm sau đó mang đi dệt. Sợi vải ngâm trong bột hồ lúc đầu cứng, nhưng càng dùng khăn càng mềm, đó là một trong những đặc điểm vô cùng độc đáo của những chiếc khăn rằn này.
Gói trọn ký ức, đong đầy xúc cảm với khăn rằn Nam bộ
Chiếc khăn rằn truyền thống là nét đặc trưng cho bản sắc văn hóa của người dân xứ miệt vườn sông nước quanh năm dầm mưa dãi nắng. Dường như khăn rằn truyền thống có sức hút kì diệu khiến bao thế hệ và tầng lớp yêu mến. Ngược dòng lịch sử trong thời kháng chiến, khăn rằn tựa như là một tín vật tượng trưng cho một lời thề lời hứa son sắt thủy chung của những chàng trai và cô gái đi theo gạt bỏ tình riêng đi theo tiếng gọi thiêng liêng của dân tộc. Trên những chặng đường hành quân của người lính, hành trang mang theo không chỉ có chiếc ba lô, khẩu súng mà còn có cả chiếc khăn rằn mang theo niềm thương, nỗi nhớ, và niềm tin thắng lợi của những trái tim thổ thức hướng về chiến trường nơi quê xa của bà của mẹ, của xóm làng nghĩa tình và của cả người yêu.
Trở về với nhịp sống hiện tại, khăn rằn là vật bất li thân cho người dân Nam Bộ nói riêng và những người trân trọng văn hóa vùng miền dân tộc nói chung. Nếu phụ nữ vắt gọn khăn trên đầu, thì đàn ông cột ngang trán, chừa hai đuôi khăn nhô lên đầu, nút khăn nằm ở phía trước nhất là khi đi rừng để ngăn mồ hôi chảy xuống măt.

Khăn cũng được quàng trên cổ, một đầu thả trước ngực, một đầu thả sau lưng. Đôi khi hai đầu được buông xuôi xuống phía trước, đi với bộ quần áo bà ba làm nên nét đặc trưng và tôn thêm duyên dáng của người dân Nam Bộ. Và tựa như một lẽ tự nhiên, chiếc khăn rằn truyền thống đã trở thành người bạn đông hành cùng người dân lao động trong chiến đấu, sinh hoạt, để lau đi những giọt mồ hôi mặn đắng, lau khô những dòng nước mắt hay giấu đi những nụ cười. Khăn rằn như là tất cả trong niềm thương nỗi nhớ tạc nên hồn quê nồng hậu và khí chất người dân Nam Bộ, dẫu có một nắng hai sương vẫn luôn lạc quan và yêu đời.
Không cần khoa trương cầu kì, chiếc khăn rằn truyền thống sống cùng với miền quê hương Nam Bộ như một bông hoa điên điển lặng lẽ mà hương sắc của nó không khỏi làm lòng người xao xuyến mãi khôn nguôi.