NÉT DUYÊN QUÊ MIỀN SÔNG NƯỚC QUA CHIẾC KHĂN RẰN NAM BỘ
“Hò … ơ … Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái
Đầu thì hớt chảy tóc tém bảy ba.
Mặc áo bà ba khăn rằn choàng cổ
Thấy cô em gái Ba Xuyên ngồ ngộ.
Nên muốn cùng ai thố lộ đôi lời
Cấy cày cực lắm em ơi.
Theo anh về vườn ăn trái Hò … ơ … theo anh về vườn ăn trái một đời ấm no”.
Câu hò cứ ngỡ dung dị và mộc mạc ấy ngân lên nơi miền quê sông nước, chẳng biết tự bao giờ đã khắc sâu vào tâm cam những người dân hiền hậu miệt vườn sông nước nơi đây. Như một hình ảnh giản dị mà cũng thật huyền thoại, chiếc khăn rằn ri đã trở thành biểu tượng cho người dân miền tây Nam Bộ và sức sống của nó vượt qua sự bể dâu trong cõi đời này, để lan tỏa thật mạnh mẽ.
Cội nguồn của chiếc khăn rằn Nam Bộ
Nguồn gốc từ người Khmer và nhờ quá trình cộng cư, khăn rằn đã đến tay người Việt. Chiếc khăn rằn thường có hai màu đen trắng đan chéo nhau tạo thành những ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn. Vẻ ngoài khăn rất giản dị mà vẫn có nét độc đáo riêng. Trước khi có sự du nhập của các loại phụ kiện từ Phương Tây thì chiếc khăn rằn Nam Bộ đóng vai trò chủ chốt trong lối ăn mặc của những người dân xứ này.
Hồn quê đằm thắm mộc mạc qua chiếc khăn rằn
Không chỉ người lao động lam lũ mà cả những điền chủ, người giàu có cũng đã sử dụng khăn rằn. Khăn rằn Nam Bộ cũng được quàng trên cổ, một đầu thả trước ngực, một đầu thả sau lưng. Đôi khi hai đầu được buông xuôi xuống phía trước, đi với bộ quần áo bà ba làm nên nét đặc trưng và tôn thêm duyên dáng của người dân Nam Bộ.
Khăn rằn làm nón che đầu, là khăn lau những giọt mồ hôi còn mặn đắng của những người nông dân chân lấm tay bùn. Khăn rằn Nam Bộ như là tất cả trong niềm thương nỗi nhớ của hồn quê nồng hậu và khí chất người dân Nam Bộ, dẫu có dãi nắng dầm sương vẫn luôn lạc quan và yêu đời. Đó còn là hồn quê khi ta nhớ về người phụ nữ xưa bình dị và chất phác. Người phụ nữ Việt Nam vốn trung hậu đảm đang, mọi công việc trong gia đình đều do họ đảm nhiệm và gánh vác, và cũng vì chăm lo cho gia đình nên họ không có thời gian chải tóc, cài kẹp cho mái tóc của mình mà đơn giản chỉ là một chiếc khăn rằn vắt lên tóc cho gọn gàng để tiếp tục công việc của mình.

Khăn vắt lên vai – Khăn lau những giọt mồ hôi
Cứ như thế hình ảnh những người bà, người mẹ vắt chiếc khăn rằn trên tóc ngồi bên hiên nhà sàng thóc đã mặc nhiên đi vào hồn quê xứ sở, mặc nhiên đã trở thành những hình ảnh đẹp về người phụ nữ Nam Bộ. Ngược dòng lịch sử trong thời kháng chiến, chiếc khăn rằn Nam Bộ tựa như là một tín vật tượng trưng cho một lời thề lời hứa son sắt thủy chung của những chàng trai và cô gái đi theo gạt bỏ tình riêng đi theo tiếng gọi thiêng liêng của dân tộc.
Từ khói lửa đạn bom cho tới những vùng trời bình yên của xứ sở sông nước Cửu Long, chiếc khăn rằn Nam Bộ đã gói trọn cả miền ký ức hào hùng đồng hành với nhịp sống tảo tần của người dân nơi đây, gói trọn những thương yêu nghĩa tình của hồn quê sông nước để ta mãi nhớ mãi yêu và trân trọng nó như một biểu tượng cho một nét văn hóa rất riêng nơi miền đất Nam Bộ.